Khoảng cách và những đặc trưng vật lý Sao Deneb

Phạm vi bán kính của Deneb lớn gấp hơn 100 lần Mặt Trời. Bức ảnh trên so sánh kích thước tương đối của Mặt Trời (bên phải) với Deneb.

Cấp sao tuyệt đối của sao Deneb là -8,5. Là một trong số những ngôi sao sáng nhất được biết tới.

Khoảng cách từ sao Deneb tới Trái Đất là không chắc chắn, với khoảng cách có thể nhất là vào khoảng 3.200 năm ánh sáng. Nhưng độ thiếu chắc chắn của thị sai khiến khoảng cách này có lúc dịch vào khoảng 2.100 năm ánh sáng hay ra xa khoảng 7.400 năm ánh sáng. Sự không chắc chắn về khoảng cách này khiến việc xác định nhiều thuộc tính của sao Deneb trở nên không chính xác. Sao Deneb có màu trắng xanh.

Độ sáng của sao Deneb gấp khoảng từ 60.000 lần Mặt Trời của chúng ta (nếu sao Deneb cách xa 1.600 năm ánh sáng) đến 250.000 lần (nếu sao Deneb cách xa 3.200 năm ánh sáng)[3].

Dựa trên nhiệt độ và độ sáng của nó cũng như từ các đo đạc trực tiếp về đường kính góc nhỏ xíu của nó (chỉ 0,002 giây cung), Deneb có bán kính lớn gấp hơn 100 lần Mặt Trời; nếu đặt nó vào trung tâm của hệ Mặt Trời, nó sẽ lớn vượt quỹ đạo của Sao Thủy[2]. Đây là một trong số những ngôi sao lớn nhất và mạnh nhất trong số những sao lớp A.

Là một ngôi sao thuộc loại quang phổ A2Ia, Deneb có nhiệt độ ở bề mặt lên tới 8.400 K. Deneb là nguyên mẫu của một lớp các sao biến quang được biết tới như các sao biến quang Alpha Cygni. Bề mặt của nó chịu những dao động không xuyên tâm, gây ra những biến đổi về độ sáng và quang phổ của Deneb. Khối lượng của Deneb lớn gấp 20 đến 25 lần khối lượng của Mặt Trời[2][4]. Một sao siêu khổng lồ trắng với khối lượng và nhiệt độ cao có nghĩa là nó sẽ có tuổi thọ rất ngắn và sẽ trở thành một siêu tân tinh trong vài triệu năm nữa. Nó đã ngừng các phản ứng hợp hạch hiđrô trong lõi của mình.

Gió sao của Deneb làm cho nó mất khối lượng ở tốc độ 0,8 phần triệu khối lượng Mặt Trời mỗi năm, cao gấp hàng trăm nghìn lần so với tốc độ phun trào từ Mặt Trời.[2]